[Phần 4] Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng: Chăm sóc và Quản lý ao nuôi

  • 16/01/2023

[Phần 4] Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng: Chăm sóc và Quản lý ao nuôi

**Bài viết được tổng hợp thông tin từ ThS. Nguyễn Ngọc Thiện (khuyennongthaibinh.vn), PGS.TS. Ngô Hữu Toàn, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và một số nguồn tham khảo khác.

Chăm sóc và quản lý ao nuôi là một việc không kém quan trọng sau khi thả đàn tôm giống xuống ao. Bà con cần phải thường xuyên thực hiện kiểm tra môi trường ao nuôi (vì tình hình thời tiết thất thường, nắng nóng, mưa to, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm,…đây chính là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh) kèm theo đánh giá sức khoẻ của tôm qua từng thời kì phát triển để đảm bảo có những biện pháp can thiệp phù hợp và đúng thời điểm.

Tuỳ vào điều kiện cụ thể của mỗi hộ nuôi trồng, bà con nên chú ý đến một số giải pháp về quản lý, chăm sóc ao nuôi tôm như sau:

Tôm sống thích hợp trong điều kiện môi trường: pH = 7,5 – 8,5; nhiệt độ = 28 – 30 oC; Ôxy ≥ 5ppm; độ mặn = 10 – 25‰; độ kiềm = 80 – 120 ppm; H2S ≤ 0,03 ppm; NH3 ≤ 0,1 ppm; độ trong = 30 – 40 cm,… Vì vậy, hàng ngày nên đo các thông số môi trường, nhất là pH, Ôxy, nhiệt độ, độ kiềm…

1/ Quản lý pH: pH trong nước là yếu tố dễ biến động, nhất là sau các cơn mưa lớn, sự thay đổi đột ngột của độ pH trong ao có thể gây giảm sức đề kháng. Vì vậy, nên kiểm tra pH nhiều lần trong ngày để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Nếu pH thấp, người nuôi sử dụng vôi bột liều lượng từ 10 – 20 kg/1000m3 nước ao tùy giá trị pH đo được. Ngoài ra, để hạn chế phèn trên bờ ao rửa xuống ao khi mưa làm giảm pH và đục nước, bà con nên sử dụng vôi đá sống CaO rải đều trên bờ ao. Vôi sẽ giúp trung hòa acid tránh giảm pH đột ngột và giúp nước ao không bị đục sau khi mưa. Những ngày trời nắng, tảo phát triển mạnh, pH tăng, O2 giảm người nuôi cần áp dụng biện pháp thay nước, cắt tảo để giảm mật độ tảo tránh hiện tượng tảo nở hoa.

2/ Quản lý độ kiềm: Độ kiềm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống hay thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp đặc biệt đối với vùng nuôi có độ mặn thấp. Độ kiềm thích hợp cho tôm sú từ 80 – 140 mg/l và 120 -150 mg/l đối với tôm thẻ. Nếu độ kiềm thấp nên sử dụng sản phẩm khoáng chất có thành phần chính là CaCO3 với liều lượng 20 – 30 kg/1000m3.

3/ Quản lý mực nước: Đối với những ao có mực nước thấp chất lượng nước sẽ biến động lớn sau những cơn mưa hoặc khi trời nắng nóng gay gắt. Vì vậy, cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,3m đối với ao nuôi tôm sú và 1,5m đối với ao nuôi tôm thẻ. Ngoài ra, biện pháp tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng gắt sẽ giúp xáo trộn nước tránh hiện tượng phân tầng trong ao từ đó hạn chế những tác động xấu cho tôm nuôi.

4/ Hạn chế mầm bệnh trong ao: bằng cách diệt khuẩn nước ao, trong những trường hợp cần thiết như màu sắc tôm thay đổi xấu, tôm đóng rong, đóng nhớt, bị phồng đuôi, đứt đuôi, đứt râu… cần cấy vi sinh lại sau 2 ngày để tăng cường vi khuẩn có lợi cho ao. Một số chất diệt khuẩn có thể ảnh hưởng sức khỏe tôm, vì vậy, bà con cần lưu ý chọn loại diệt khuẩn tương đối an toàn và phải kiểm tra sức khỏe tôm trước khi sử dụng.

5/ Quản lý sức khỏe tôm: thường xuyên quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm thông qua kiểm tra sàng ăn và màu nước ao nuôi; đặc biệt vào những ngày thời tiết diễn biến xấu bà con cần chài tôm định kỳ 5 – 7 ngày để kiểm tra sức khỏe tôm và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường như tôm búng yếu, phân lỏng, đường ruột đứt khút, gan tụy mờ nhạt,… Bên cạnh đó, bà con cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách tăng cường các chất bổ sung như Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột (men tiêu hóa), chất bổ gan, chất tăng đề kháng beta-glucan để tăng sức chống chịu cho tôm nuôi với liều lượng cao hơn thông thường.

6/ Quản lý thức ăn:

Lượng thức ăn cho tôm ăn hàng ngày mang ý nghĩa quan trọng trong sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần chống ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Cho tôm ăn thừa có thể thúc đẩy tôm tăng trưởng trong thời kỳ phát triển ban đầu khi tôm đang còn ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, đặc biệt khi chất lượng nước vẫn còn tốt. Tuy nhiên, khi tôm không sử dụng hết lượng thức ăn thì chất thải hữu cơ thức ăn thừa tích tụ gây ra hơn 60% các vấn đề nguy hiểm trong ao nuôi tôm, thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao là nguyên nhân gây bùng phát khí độc, đặc biệt khi mà hàm lượng oxy hòa tan (DO) giảm hoặc khi tảo phát triển quá mức trong ao.

Cho tôm ăn thiếu thức ăn trong thời gian dài sẽ làm tôm chậm lớn do thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, hạn chế khả năng lột vỏ của tôm. Thiếu thức ăn kéo dài còn làm cho tôm tranh giành thức ăn lẫn nhau dẫn đến hiện tượng phân đàn mạnh. 

Thức ăn cho tôm phải đáp ứng về cả số lượng lẫn chất lượng. Ngoài ra, cho ăn và kiểm tra sàng ăn đúng giờ sẽ giúp việc xác định sức ăn của tôm chính xác, nhờ đó công tác quản lý thức ăn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

7/ Quản lý tác nhân gây bệnh:

Tác nhân gây bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong ao nuôi xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại có hai nguồn chính, đó là: nguồn nội tại (có sẵn trong ao do cải tạo không kỹ) và nguồn ngoại nhập (mầm bệnh có từ nước lấy vào nuôi, con giống, vật trung gian truyền bệnh, con người, dụng cụ, chim phát tán,…). Như vậy, để quản lý tốt tác nhân gây bệnh cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học xuyên suốt từ khi chuẩn bị ao đến khi thu hoạch. Cụ thể:

- Cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật (sên vét bùn, phơi đáy ao, bón vôi);

- Có rào chắn xung quanh khu nuôi ngăn chặn vật truyền bệnh trung gian xâm nhập;

- Nước lấy vào ao nuôi phải qua giai đoạn lọc, lắng và sát trùng kỹ lưỡng; Hoặc phải có ao lắng để xử lý nước,

- Con giống thả nuôi đạt chất lượng, đảm bảo sạch bệnh;

- Thức ăn, chất mang vào ao không mang mầm bệnh;

- Định kỳ đánh men vi sinh, xi phong nền đáy ao

- Thường xuyên sát trùng dụng cụ nuôi. Hạn chế tối đa người không phận sự (nhất là người lạ, người đi từ nơi có dịch bệnh) ra vào khu nuôi. Thực hiện biện pháp khử trùng đối với người có khả năng tiếp xúc môi trường ao nuôi.

???? ???? ????  Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn giải đáp các thắc mắc liên quan đến nuôi trồng thủy sản, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 093 184 0461. PTG Vietnam rất hân hạnh được đồng hành cùng bà con.

--------

???? Đăng ký theo dõi PTG VIETNAM để cập nhật các thông tin mới nhất từ chúng tôi tại:
--------
PTG VIETNAM
???? 79 đường B4, khu đô thị Sala, P. An Lợi Đông, Q.2, TP.HCM
☎ 0931 840 461
???? ptgvietnam.com.vn
zalo-img.png